Ung thư là một trong những căn bệnh có tỉ lệ người mắc cao nhất tại Việt Nam. Sau khi chữa khỏi căn bệnh ung thư, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu tái phát ung thư và lại phải tiếp tục điều trị.
Ung thư có tái phát không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi tuổi đời càng cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư lại càng cao. Bởi vì khi đó, cơ thể sẽ bị lão hóa, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của phương pháp điều trị, nhiều ca bệnh ung thư đã được chữa khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục sức khỏe tốt hơn.
Theo chuyên gia y tế, chữa khỏi bệnh ung thư không có nghĩa bệnh nhân sẽ không mắc căn bệnh đó nữa. Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ung thư tái phát.
Ung thư có thể tái phát sau vài tháng, vài năm hay thậm chí có thể vài tuần. Tỷ lệ tái phát ung thư sẽ phụ thuộc vào căn bệnh ung thư, nguyên nhân mắc, giai đoạn mắc và nhiều yếu tố khác. Bác sĩ sẽ không thể chắc chắn rằng ung thư có tái phát hay không.
Nguyên nhân ung thư tái phát
Hầu hết nguyên nhân tái phát ung thư là do lượng nhỏ tế bào ung thư vẫn còn sót lại trong cơ thể. Sau đó, các tế bào phát triển đủ lớn để biểu hiện triệu chứng, xuất hiện khi xét nghiệm. Tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn, nguyên nhân mắc mà dấu hiệu tái phát ung thư sẽ khác nhau.
Ung thư tái phát sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Tái phát cục bộ: xuất hiện tế bào ác tính ở vị trí có ung thư nguyên phát;
- Tái phát khu vực: xuất hiện tế bào ác tính ở gần khu vực ung thư nguyên phát;
- Tái phát xa: xuất hiện tế bào ác tính ở một nơi hoàn toàn khác, không liên quan đến vị trí có ung thư nguyên phát.
Điều trị ung thư tái phát
Khi đã chuẩn đoán xác định ung thư tái phát, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân các phương pháp điều trị phù hợp. Hầu như phương án điều trị ung thư tái phát sẽ gần giống như phương án điều trị ung thư nguyên phát. Bác sĩ sẽ dựa trên những yếu tố sau để lựa chọn phương pháp điều trị:
- Kích thước của khối u, loại ung thư, vị trí trong cơ thể;
- Tình trạng sức khỏe tổng quát hiện tại;
- Kết quả điều trị ban đầu;
- Tác dụng phụ của liệu trình trước;
- Thời điểm kết thúc liệu trình điều trị trước đó.
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ luôn cố gắng giảm thiểu các triệu chứng cũng như tác dụng phụ. Do đó, nếu có triệu chứng mới hoặc sự thay đổi của cơ thể, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để đảm bảo kết quả liệu trình tốt nhất.
Đối phó với ung thư tái phát
Không chỉ đối phó với bệnh lý, bệnh nhân cũng cần chuẩn bị tâm lý khi điều trị bệnh. Khi biết kết quả ung thư tái phát, nhiều người bệnh lo lắng, suy sụp tinh thần, hoài nghi, sợ hãi, đau buồn. Đây là những cảm xúc thường gặp của người bệnh khi mắc bệnh ung thư.
Nhiều bệnh nhân còn nghi ngờ về các phương pháp, phác đồ điều trị, các quyết định của bác sĩ trong lần điều trị trước. Thực tế, đội ngũ bác sĩ luôn cố gắng lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất dựa trên tình trạng người bệnh. Bác sĩ không thể dự đoán trước được bệnh nhân có tái phát ung thư hay không.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cảm thấy lo lắng về không biết có đủ sức khỏe và tinh thần để chống chọi với căn bệnh và điều trị lần 2 không. Nhìn chung, tùy loại bệnh ung thư, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất, đảm bảo sức khỏe của người bệnh.
Leave a reply